Trong suốt mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của đất nước ta, mỗi người dân Việt Nam đều tâm niệm biên cương nơi địa đầu của tổ quốc là thiêng liêng phải được bảo vệ và gìn giữ bằng bất cúa giá nào. Nước Việt Nam ta từ buổi đầu dựng nước đã là một quốc gia đa dân tộc.
Khi đã khẳng định chủ quyền quốc gia dân tộc, thì vấn đề đoàn kết các dân tộc để tăng cường baor vệ đất nước càng trở nên quan trọng hơn.
Trong lịch sử Việt Nam, các nhà nước phong kiến đặc biệt là thời Lý- Trần- Lê- Nguyễn tương đối thống nhất trong chính sách đối với vùng dân tộc ít người, vùng biên cương phên dậu của bờ cõi.
Ảnh minh họa
Thông qua các cuộc hôn nhânvới các tù trưởng có thế lực bằng việc hoặc là gả con gái cho các tù trưởng, hoặc đôi khi nhà vua lấy con gái tù trưởng làm phi, nhằm tạo nên mối quan hệ mật thiết giữa họ với triều đình trung ương theo kiểu gia tộc nhằm quản lý những vùng lãnh thổ và cư dân vùng biên viễn.
Như các trường hợp Lý Công Uẩn đã gả con gái cho tù trưởng động Giáp ở Lạng Châu (vùng Bắc Giang và phía Nam Lạng Sơn hiện nay); Năm 1029, Lý Công Uẩn gả công chúa Bình Dương cho châu mục Châu Lang là Thân Thiệu Thái; Năm 1036, Lý Thái Tông gả công chúa Kim Thành cho Châu mục Châu Phong là Lê Thuận Tông (vùng Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Sơn Tây hiện nay) Hay Lý Thái Tông lấy con gái của Đào Đại Di vùng Châu Đăng (Hưng Hóa) làm phi, đồng thời gả công chúa Ngọc Kiều cho Châu mục Châu Chân Đăng;Vua Trần Nhân Tông gả con gái là Huyền Trân Công Chúa cho vua Chiêm là Chế Mân. Chế Mân đem đất Châu Ô, Châu Lý làm vật dẫn cưới.
Sau hai Châu đó đổi thành Châu Thuận và Châu Hóa, thường gọi là vùng đất Thuận Hóa. Nhà Lê và sau đó là nhà Nguyễn cũng áp dụng những chính sách mềm dẻo với các vùng dân tộc ít người.
Đến chuyện 2 công chúa bé nhỏ làm dâu trên đất Mường Hòa Bình:
Chuyện về nàng công chúa làm dâu Mường Thàng
Vùng đất Cao Phong hiện nay vốn được gọi là Mường Thàng – một trong bốn vùng Mường lớn (Bi, Vang, Thàng, Động) của tỉnh Hòa Bình.
Từ xưa đến nay nhân dân vùng Cao Phong vẫn lưu truyền về truyền thuyết công chúa nhà Lê được gả cho Lang vùng Mường Thàng: Chuyện kể rằng Giai đoạn cuối của nhà Hậu Lê khi đỉnh cao của Trịnh- Nguyễn phân tranh tình hình kinh tế, chính trị của nước ta nhiều biến động. Các dân tộc thiểu số ở 1 số vùng miền núi đã hình thành tư tưởng cát cứ trong đó có Hòa Bình.Tại vùng Mường Thàng có 1 vị thổ Lang khá lớn mạnh buộc vua Lê phải gả con gái để giữ mối giàng buộc với chính quyền Trung Ương.
Từ giã chốn kinh kỳ đông đúc hoa lệ, nàng công chúa bé nhỏ đến làm dâu vùng Cao Phong xa lắc, hẻo lánh chỉ với 12 thị nữ. Xa chốn kinh kỳ, xa phụ mẫu thân thuộc. Cuộc sống của nàng với nỗi buồn nhớ vua cha và chốn kinh thành cứ lặng lẽ trôi ngày này qua ngày khác. Nỗi buồn của nàng thấu đến tai nhà vua. Nhà vua sai người dựng một ngôi chùa giống chốn kinh kỳ để ngày ngày nàng gửi tâm vào cõi Phật. Và ngôi chùa Quèn Ang đã ra đời từ đó. Hiện nay tại UBND xã Tân Phong vẫn còn giữ lại 1 chiếc chuông ghi nên đại 1800
Về phần mình, thấy vợ buồn, vị tù trưởng đã cho trồng một vườn hoa dưới chân núi Cối cho nàng thưởng ngoạn. Gần 300 năm đã trôi qua, vườn hoa không còn nữa, nhưng núi Cối vẫn còn tại xã Tân Phong với đầy hoa thơm, quả lạ. Vườn hoa núi Cối đã trở thành một địa danh nổi tiếng của vùng Cao Phong và đã đi vào sử sách.
Núi Cối gần Chùa Quèn Ang
Chuyện trong dân gian kể lại rằng: Trong một bữa tiệc vui do hiểu lầm mà tù trưởng chém oan vợ mình. Tỉnh lại quá thương tiếc vợ, tù trưởng đã cho làm lễ an táng rất linh đình.
Cũng có chuyện kể, Chồng nàng là một vị thổ lang quyền uy cả một vùng Mường rộng lớn tuy nhiên ông cũng đã có nhiều vợ chính vì vậy quan hệ vợ chồng nàng không được mặn mà. Một lần ông giả ốm, kêu công chúa vào khám. Thấy chồng ngủ công chúa đã không dùng tay khám như bình thường mà dùng chân đặt lên đầu. Nhà lang rất giận đã không kìm được rút kiếm chém chết nàng. Sau này, ân hận vì hành vi nóng vội của mình vị lang Mường này đã cho chôn cất nàng hết sức linh đình, kéo dài nhiều ngày tháng.
Là những người làm công tác sưu tầm dân gian, khi chúng tôi sưu tầm được câu truyện thứ 2 này đồng chí Giám đốc Bảo tàng tỉnh phản biện: “Việc tù trưởng Mường Thàng chém đầu vợ là công chúa nhà Lê là chuyện có thật. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn tới cái chết đó được dân gian lưu lại là do công chúa phạm thượng dám lấy chân sờ trán chồng là chuyện thật khó tin. Xét ở nhiều góc độ, chúng ta thấy rằng: Công chúa triều Lê lá ngọc cành vàng vốn được uốn nắn, dạy bảo lễ nghi, phép tắc từ bé. Không những thế, nàng lại làm dâu vị lang Mường có thế lực khi tuổi còn nhỏ, Lang Mường cũng lại đã có một bầy đoàn thê tử. Chốn rừng thiêng, nước độc không có mối liên hệ với kinh kì, đường về nhà vời vợi xa, công chúa dù không nảy sinh tình cảm với chồng mình cũng làm sao dám cả gan dùng chân sờ trán chồng? Thực hư câu chuyện chưa được kiểm chứng…”
Khu mộ cổ ở Đồng Cúi, hay còn gọi là Đồng Mô
Theo lời kể của nhân dân địa phương thì công chúa được an táng trong khu Hiện nay thuộc xã Dũng Phong (trước kia hai xã Tân Phong và Dũng Phong cùng chung một xã) vẫn còn dấu vết của khu mộ cổ ở Đồng Cúi, hay còn gọi là Đồng Mô.
Khu mộ Mường Dũng Phong còn lại cho tới ngày nay dù đã mất đi vẻ bí hiểm, mất đi hình dáng ban đầu, nguyên sơ của nó. Tuy nhiên ở đây còn không ít ngôi mộ với kích thước đồ sộ, khá nguyên vẹn với những truyền thuyết đầy bí ẩn. Trước tình trạng đó, năm 1980 Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) đã nhanh chóng khai quật những phần diện tích còn sót lại của khu mộ để tìm hiểu thông tin. Sau kết quả khai quật đã tìm thấy: 12 bông Hoa có mầu vàng được dát cực mỏng, mỗi bông có 6 cánh; Những mẩu kim loại có thể là xương, giá đỡ cho mũ. Dự đoán thanh kim loại là xương mũ, vải dùng lớp mũ và có thể bông hoa vàng dùng đính trên mũ đó. Loại mũ vải, xương là thanh kim loại trước cách mạng Tháng Tám vẫn được các quan lang vùng Mường sử dụng.
Công chúa Lê kết thúc cuộc sống nơi dương gian khi tuổi đời còn non trẻ. Tư liệu về nàng mờ nhạt và quá ư ít ỏi. Tuy nhiên, dù không còn nhớ tên tuổi, dung nhan, nhưng vì nỗi thương xót, ngậm ngùi mà truyền thuyết về công chúa nhà Lê về làm dâu xứ Cao Phong vẫn được truyền tụng mãi trong nhân dân vùng Cao Phong. Khép lại một phận người, dân gian mở ra những chiêm nghiệm về cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc.
Về nàng công chúa Thiên tinh công chúa làm dâu tại Phú Lai Yên Thủy Hòa Bình.
Vào thời Lê Cảnh Hưng thế kỷ XVIII, ở xóm Xàm xưa có một gia đình nông dân ăn ở hiền lành, sống có nghĩa tình với xóm giềng. Ông bà sinh hạ được hai người con trai: người anh đặt tên là Bùi Văn Cha, người em đặt tên là Bùi Văn Khú. Hai anh em tư chất thông minh, mặt mũi sáng sủa, hay lam hay làm. Cùng lớn lên gặp lúc vận nước nguy nan, thù trong giặc ngoài liên miên. Vào năm 1750, người em tình nguyện đi lính, để người anh ở nhà phụng dưỡng mẹ già, cha yếu.
Tham gia quân đội, Ông lập được nhiều công lớn. Khi đất nước bình yên, thù trong giặc ngoài đã tạm dẹp, ông được vua ban áo gấm, vàng bạc và gả công chúa cho.
Lúc đó nhà vua có hai nàng công chúa xinh đẹp, hai chị em đều đã đến tuổi cập kê. Nhà vua có ý gả công chúa chị cho ông, nhưng nàng chê quê ông cách trở, nên từ chối ông, chỉ công chúa em là ưng ý .
Ngày rước vợ về quê công chúa chị cũng đưa tiễn em về nhà chồng. Được chứng kiến cảnh săc quê hương em rể thanh bình, trù phú, sơn thủy hữu tình, người và muôn vật vui hoà. Nàng sinh lòng oán tiếc, song đám cưới trên đường trở về Kinh, nàng đã gieo mình xuống suối Uổm (suối con gái). Lạ thay ở khúc suối này tự mọc lên rất nhiều những tảng đá có hình thù kì dị, khiến cho dòng nước khi chảy qua chỗ này như thét, như gào khóc than cho một kiếp hồng nhan sớm tàn phai. Cũng từ câu chuyện này, mà về sau nhân dân 3 xóm: Xàm, Đình, Rò có tục chị gái không đưa em gái về nhà chồng và tục đó tồn tại cho tới tận ngày nay.
Sau khi được vua gả công chúa cho làm vợ, ông được vua phong tước lộc, cắt đất cho cai quản một vùng Mường thuộc 3 xóm: Xàm, Đình, Rò ngày nay và tặng chiếc trống đồng để làm hiệu lệnh. Năm 1998, một gia đình ở xóm Xàm đào đất làm móng nhà đã tìm thấy chiếc trống. Hiện nay, chiếc Trống đang được Bảo tàng tỉnh Hoà Bình bảo quản.
Khi 2 vợ chồng ông mất, được nhân dân khu vực mai táng tại khu vực gò Mè, thuộc xóm Xàm. Hiện hai ngôi mộ này vẫn còn, nhân dân quanh vùng vẫn thường lui tới hương khói. Để tưởng nhớ công trạng của ông với quê hương đất nước nhân dân đã lập Đình thờ để thờ phụng. và cũng là nơi lưu giữ những kỷ vật của ông. Ông trở thành vị vua tinh thần của cả khu vực, tiếp tục được các đời vua phong sắc, tăng dần phẩm trật của ông.
Ông được vua ban một lá cờ thêu 8 chữ vàng “Đô Khú Đại vương Thượng đẳng tối linh”.
Lá cờ thêu 8 chữ “Đô Khú
Đại vương Thượng đẳng tối linh”. Sắc Phong
Sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 14 (1783) của Đình Xàm
Đình Xàm hiện còn lưu giữ 11 bản sắc phong sắc sớm nhất năm Cảnh Hưng thứ 14 (1783) đến nay đây là bản sắc phong sớm nhất của tỉnh Hòa Bình, sắc muộn nhất vào năm Khải Định thứ 9 (1924) Với những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu cuả đình Xàm, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ký Quyết định số 1076/QĐ-UBND ngày 18/7/2003 công nhận đình Xàm là Di tich lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.
Câu chuyện về 2 nàng công chúa của Nhà hậu Lê (Thế kỷ XVIII) được gả cho 2 lang Mường trên đất Hòa Bình chắc cũng là những thân phận mang hàm ý chính trị này nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chống lại những âm mưu xâm lược và xâm lấn bảo vệ ngai vàng, bảo vệ hoàng tộc. Chuyện về 2 nàng công chúa nhà Lê làm dâu trên đất Hòa Bình được dân gian truyền lại, đã được bóc đi lớp vỏ chính trị thay vào đó bằng nhãn quan nhân văn, giáo dục với triết lý thật giản đơn nhưng thật sâu xa: trao yêu thương thì nhận được yêu thương. Hai nàng công chúa, hai mối duyên tình, hai số phận khác nhau. Người đã đi hết con đường tình với người mình yêu, người dang dở trong sự tiếc nuối…