Cặp chó đá trở thành biểu tượng linh thiêng của làng Phục Lễ (Hưng Yên). Có rất nhiều câu chuyện ly kỳ xoay xung quanh đôi chó thần này được người dân làng lưu truyền lại đời này qua đời khác.
Học giả Đào Duy Anh trong cuốn “Việt Nam văn hoá sử cương”, NXB Đông Nam Á xuất bản năm 1985 có nhắc: “Xưa kia, cửa ngõ thường không làm đúng chính giữa nhà và sân để cho người ngoài đừng nhìn thẳng vào trung tâm nhà. Người ta cũng thường kiêng không nên để cho có con đường đâm thẳng vào nhà, hay là có đền chùa ở trước nhà. Nếu bất đắc dĩ không tránh được những điều kỵ ấy thì người ta chôn ở trước nhà một con chó đá hay là treo một cái gương ở trên cửa chính để yểm tà khí”.
Cổng làng Phục Lễ, nơi đặt tượng chó đá- ảnh báo Công Lý
Theo báo Công Lý: “Cặp chó đá ở làng Phục lễ không biết đã có từ bao giờ và ai là người đã đem trấn ở đó. Ông Trịnh Văn Hội, 78 tuổi, một trong những người trong Ban Khánh tiết của làng kể chuyện: “Theo gia phả dòng họ ghi lại thì nguồn gốc của cặp chó đá này thuộc dòng họ Trịnh chúng tôi.
Chúng tôi cũng chỉ biết thế vì trải qua 300 – 400 năm rồi nên lý lịch của cặp chó đá này chúng tôi cũng không còn nắm rõ nữa. Chúng tôi chỉ nhớ được rằng, các cụ ngày xưa cho hay đất làng Lựa (nay là làng Phục Lễ) là đất dữ, long mạch hỗn loạn nên hạn hán, mất mùa liên miên. Các cụ đã dùng chính cặp chó đá này để trấn long mạch cho làng, giúp cho dân làng có được cuộc sống bình yên”.
Cặp chó đá từ ngày ấy đã trở thành biểu tượng linh thiêng của làng. Hằng năm, mỗi dịp lễ tết, đình đám, các cụ đều sắm lễ, cúng bái tạ ơn quan Hoàng Thạch rất chu đáo. Người tín tâm đi qua cổng làng đều dừng lại, kính cẩn chắp tay ở đây lễ tại quan Hoàng Thạch.
“Chó đá được tạc từ khối đá xanh rất đẹp, cao hơn 1m, nặng khoảng gần 7 tạ. Dưới cổ, chó đá được đeo một vòng cườm bằng đá, hai tai vểnh ngược lên như đang nghe ngóng hay sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào”- Theo báo Công Lý.
Mang chó đá về nung 5 ngày 5 đêm vẫn nguyên vẹn
Chia sẻ với phóng viên Petrotimes.vn, người dân làng Phục Lễ cho biết: “Ngày ấy, làng Phục Lễ có mấy người làm nghề nung vôi để bán. Vùng đồng bằng thì lấy đâu ra nhiều đá để nung. Hết nguyên liệu, người ta lại nghĩ đến con chó và khối đá khổng lồ. Hám lợi, gia đình ông Tảo ở làng khiêng chó đá để nung vôi. Nhưng nung mãi đến 5 ngày 5 đêm mà con chó đá vẫn nguyên vẹn. Sực nhớ đến chuyện người già kể lại, cả gia đình họ hú vía khiêng chó đá ra trả về chỗ cũ. Sau sự việc ấy, ông Tảo gặp phải một trận ốm và bỏ ngay nghề nung vôi.”
Trẻ con ốm đau nếu vẽ bậy, ngồi lên lưng chó đá
Người dân làng Phục Lễ cũng thường lưu truyền lại những câu chuyện ly kỳ khác xung quanh tượng chó đá. Những đứa trẻ chăn trâu hay viết, vẽ bậy, thậm chí còn ngồi trên lưng con chó đá cũng bị “chó thần” phạt. Hễ có đứa trẻ nào xâm phạm đến chó đá thì y rằng tối đó lại bị đau bụng và hay khóc về đêm. Người nhà biết được họ lại phải ra thắp hương cầu khấn thì đứa trẻ mới khỏi. (Theo Petrotimes.vn)
Có phải chó đá báo ứng?
Ông Khúc Chí Hợi, Chủ tịch UBND xã Lương Tài- ảnh Petrotimes.vn
Để rõ ràng hơn mọi chuyện, PV Petrotimes.vn đã tìm gặp ông Khúc Chí Hợi, Chủ tịch UBND xã Lương Tài. Ông Hợi khẳng định: “Làng Phục Lễ là một trong những ngôi làng cổ còn lưu giữ lại khá nhiều các kiến trúc cổ xưa. Câu chuyện người dân khai quật ngôi mộ cổ là có thật, và chuyện làng bị mất con chó đá dùng để trấn yểm long mạch cho làng theo tín ngưỡng của người dân là có thật. Sự việc này dân làng Phục Lễ cũng đã có báo cáo tới UBND xã.”
Những câu chuyện ly kỳ xung quanh cặp chó đá còn khá nhiều và một số điều khó lý giải và đó có thể chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Theo ông Hợi, “để có lời giải thích chính đáng nhất, có lẽ cần phải có một tổ chức, hoặc phải có các chuyên gia về tâm linh, cũng như về khoa học về nghiên cứu. Còn trước mắt, chúng tôi luôn cảnh giác với những biểu hiện mê tín dị đoan, lợi dụng niềm tin của nhân dân để trục lợi”.